Tín hiệu phục hồi của thị trường bất động sản
Theo Kinh tế & Đô thị, trong quý I, II/2023 trước bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều biến động, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam vẫn nằm trong “tâm bão” khủng hoảng. Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, riêng trong quý II, số lượng doanh nghiệp (DN) BĐS giải thể tăng khoảng 30,4% so cùng kỳ năm trước, DN thành lập mới giảm khoảng 61,4%.
Trước thực trạng trên, nhiều DN BĐS vẫn tiếp tục buộc phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án, cắt giảm và điều chỉnh lại quy mô nhân sự, có DN buộc phải giảm trên 60% nguồn lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, chưa khi nào thị trường BĐS lại rơi vào tình trạng “báo động đỏ” đến vậy.
Thị trường BĐS nhiều khu vực, địa phương đang phục hồi mạnh ở tất cả các phân khúc.
“DN BĐS vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn: Về pháp lý như quy định phương pháp định giá đất, quy hoạch sử dụng đất; Cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương chưa kịp thời, đồng bộ; Khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như DN không huy động được vốn trái phiếu.
Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư, tính thanh khoản thị trường thấp nên các DN BĐS thiếu vốn, áp lực nợ ngắn hạn, tổng nợ lớn hơn quy mô tài sản. Ngoài ra tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động dẫn đến chi phí tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN” – Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cho hay.
Trong bối cảnh đó, những chính sách của Nhà nước bắt đầu mang đến tín hiệu lạc quan cho thị trường, cụ thể: từ quý II/2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động từ 9 – 10%/năm về mức dưới 7%.
Cùng với đó nhiều chủ đầu tư đã mạnh tay thực hiện chính sách kích cầu bằng hình thức chiết khẩu “khủng”, hỗ trợ lại suất vay ngân hàng… Vì vậy, trong quý II, số lượng giao dịch sản phẩm đã tăng khoảng 30% so với quý I.
Đáng chú ý, trước những tác động tích cực về chính sách nên nhiều khu vực, địa phương đã ghi nhận sự hồi phục của thị trường. Đơn cử, tại TP Hải Phòng, theo ông Tô Hùng – Trưởng Văn phòng đại diện Hải Phòng của Hội môi giới BĐS Việt Nam, trong quý III/2023, thị trường BĐS Hải Phòng đã ghi nhận lượng giao dịch diễn ra nhiều hơn ở đồng loạt các phân khúc. Đồng thời đón nhận một lượng lớn môi giới, văn phòng, công ty, sàn giao dịch kinh doanh dịch vụ BĐS quay trở lại hoạt động.
Những “đòn bẩy” thúc đẩy tăng trưởng thị trường bất động sản
Theo Nhịp Sống Thị Trường, đến hiện tại, thị trường bất động sản đã có nhiều “đòn bẩy” như lãi suất giảm cho cả khoản vay cũ và mới, pháp lý các dự án đang dần được tháo gỡ, giá bán hạ nhiệt… Theo đó, thời gian qua thị trường đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn. Một số khu vực, bất động sản đã rục rịch có thanh khoản trở lại.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, tâm lý dửng dưng của người mua là điều dễ hiểu. Bởi khi thị trường đi xuống, người ta chỉ mong giá càng thấp xuống.
Trong khi đó, thị trường mới trầm lắng 1 năm, người mua cho rằng, tình trạng này còn kéo dài. Khi đó, giá bất động sản còn hạ. Tuy nhiên, ông Quyết khẳng định, diễn biến thị trường hiện tại khác so với giai đoạn trước. Khó khăn sẽ đi qua nhanh và giá bất động sản sẽ sớm tăng trở lại.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, cho biết nhu cầu thực đối với bất động sản vẫn có và những chính sách tốt hỗ trợ thị trường đã tạo ra cú húych tương đối. Do đó, thời điểm khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua. Đồng thời, thị trường có thể sẽ phục hồi vào giữa năm 2024.
Tuy nhiên, khi thị trường phục hồi, giá bất động sản sẽ tăng trở lại. Do vậy, thời điểm này chính là cơ hội tốt cho người có sẵn dòng tiền có thể “săn” cho mình những bất động sản vị trí đẹp, tiềm năng tăng giá tốt, mức chiết khấu cao. Nếu qua giai đoạn này, bước vào thời điểm phục hồi thì không dễ săn được nhà tốt giá phải chăng.
Xem Thêm: Khu Nhà Ở VinaHome 3 Hàm Liêm
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Mảng dịch vụ Tư vấn & Phát triển dự án DKRA Group cho biết, quan sát trên thị trường thời điểm từ đầu quý III/2023, thanh khoản thứ cấp có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại, bắt đầu xuất hiện dòng tiền nhà đầu tư “bắt đáy” ở những dự án có mức chiết khấu hấp dẫn, đầy đủ pháp lý, vị trí lân cận khu dân cư hiện hữu đông đúc, giao thông thuận tiện kết nối về trung tâm.
Do đó, theo ông Thắng, nhiều khả năng thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực vào cuối quý IV/2023 hoặc chậm nhất là vào nửa đầu năm 2024 nhờ những “bệ đỡ” sau:
Thứ nhất, lãi suất cho vay bất động sản đang giảm và xu hướng tiếp tục giảm trong thời gian sắp tới. Mặc dù ít nhiều room cho vay còn khá khó tiếp cận (về các yêu cầu pháp lý của dự án, khả năng trả nợ của doanh nghiệp…).
Thứ hai, các chính sách tháo gỡ pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước đã bắt đầu có tín hiệu tốt.
Thứ ba, giải ngân đầu tư công tăng mạnh: Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm lớn trên cả nước triển khai rầm rộ (cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 3 ở TP. HCM và các tỉnh phía Nam, đường Vành đai 4 ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc…).
Thứ tư, tăng trưởng kinh tế vĩ mô trong nước khá ổn định. Mặc dù GDP tăng không mạnh (quý II/2023 tăng 4,14%) nhưng còn ở mức chấp nhận được trong điều kiện kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay, lạm phát duy trì mức dưới 4%…