Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không khai thác bất động sản 2 bên đường dự án

thu tuong pham minh chinh khong khai thac bat dong san 2 ben duong du an 19995 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải tận dụng khai thác hết các giá trị quỹ đất 2 bên đường mang lại và dành tối đa cho khai thác các giá trị dịch vụ, nhưng không khai thác bất động sản.

Ngày 3-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Tại tuyến đường cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, theo báo cáo của tỉnh Bình Dương, dự án này sẽ đầu tư theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch; đầu tư đường song hành đoạn cao tốc; đầu tư đoạn kết nối từ nút giao Gò Dưa đến Bình Dương với tổng mức đầu tư qua địa bàn Bình Dương khoảng 9.000 tỉ đồng bằng nguồn ngân sách tỉnh.

Giai đoạn 2 đầu tư xây dựng đường cao tốc 4 làn xe theo phương thức PPP (toàn tuyến Bình Dương – Bình Phước) với tổng mức đầu tư khoảng 13.500 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Thủ tướng yêu cầu không khai thác bất động sản 2 bên đường dự án
Thủ tướng yêu cầu không khai thác bất động sản 2 bên đường dự án

Thủ tướng nhấn mạnh các công trình khi đã khởi công là phải làm, không được “đánh trống bỏ dùi”. Thủ tướng đề nghị trong tháng 6-2023 phải hoàn thành tuyến đường nối đường cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành với chiều dài 1,7 km để giảm ùn tắc giao thông.

Sau đó, Thủ tướng tiếp tục thực địa tuyến đường sắt Bàu Bàng – Thị Vải – Cái Mép; quy hoạch tuyến Metro Suối Tiên – Thành phố Mới Bình Dương – Bàu Bàng; điều chỉnh vị trí quy hoạch ga An Bình và ga Dĩ An và nghe báo cáo về dự án tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương; báo cáo về tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa đi qua địa phận tỉnh Bình Dương; tuyến đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng.

Thủ tướng cũng đã khảo sát tiến độ Dự án đường Vành đai 3 TP HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương. Theo báo cáo của tỉnh, dự kiến ngày 30-6-2023 khởi công dự án theo đúng kế hoạch chung.

Tiếp đến, Thủ tướng khảo sát tuyến đường Hồ Chí Minh và Khu Công nghiệp Bàu Bàng, hiện Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, các đơn vị đang thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý I-2023 và khởi công dự án trong quý IV-2023, hoàn thành năm 2025.

Tại tuyến đường Vành đai 4 TP HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương, Thủ tướng giao các địa phương, trong đó UBND tỉnh Bình Dương, thực hiện đoạn cầu Thủ Biên – Sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 49 km. Theo báo cáo của tỉnh, hiện nay đã đầu tư 22,64 km; chưa đầu tư 25,66 km, tỉnh sẽ lập dự án thực hiện phân kỳ 2 giai đoạn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý quy hoạch phải đi trước một bước, phải có tầm nhìn xa, làm sao để người dân trong phạm vi quy hoạch phải thấy được lợi ích của họ khi được quy hoạch chứ không phải là bị quy hoạch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi công nhân đang thi công Nhà máy 2 Công ty TNHH Paihong Việt Nam tại Khu Công nghiệp Bàu Bàng
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi công nhân đang thi công Nhà máy 2 Công ty TNHH Paihong Việt Nam tại Khu Công nghiệp Bàu Bàng

Theo Thủ tướng, làm đường sẽ tạo ra không gian phát triển mới. Vì vậy, phải tận dụng khai thác hết các giá trị quỹ đất 2 bên đường mang lại và dành tối đa cho khai thác các giá trị dịch vụ từ đó sẽ tạo ra việc làm, sinh kế cho người dân, tăng thu nhập cho tỉnh. Thủ tướng yêu cầu không khai thác bất động sản 2 bên đường.

Thủ tướng cho rằng cùng với việc phát triển khu công nghiệp phải đi đôi với phát triển khu đô thị, dịch vụ, khu công nghệ cao và nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đây là vấn đề rất quan trọng vì con người là vốn quý; phải mở trường đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Bệnh viện đa khoa 1.500 giường chưa thể đưa vào sử dụng
Bệnh viện đa khoa 1.500 giường chưa thể đưa vào sử dụng

Sáng 3-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã tới kiểm tra, khảo sát dự án Bệnh viện Đa Khoa Bình Dương mới quy mô 1.500 giường tại thành phố Thủ Dầu Một.

Báo cáo với đoàn, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, dự án Bệnh viện 1.500 giường khởi công từ năm 2014, có vốn đầu tư gần 2.300 tỉ đồng từ ngân sách địa phương, nhưng tới nay chưa hoàn thành, thời gian thi công đã kéo dài 1,5 lần so với dự kiến.

Nguyên nhân chủ yếu là do chia nhỏ dự án, thiếu tổng thầu, chuẩn bị đầu tư không tốt nên khi thực hiện phát sinh nhiều vấn đề, gây lãng phí nguồn lực và thời gian…

Dự án Bệnh viện 1.500 giường có 7 dự án thành phần, gồm: Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường; khối kỹ thuật trung tâm và nhà quàn; trạm xử lý nước thải khu các bệnh viện; hạ tầng kỹ thuật tổng thể; thiết bị Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường; khối giáo dục và đào tạo, khối ký túc xá học viên và thân nhân người bệnh; bãi đậu xe, công viên, cây xanh và hàng rào trạm xử lý nước thải.

Đáng chú ý, phía trên 2 tòa nhà có 2 sân đỗ trực thăng phục vụ cấp cứu. Hiện nay, cơ bản các hạng mục đã bước vào giai đoạn hoàn thiện, theo kế hoạch của tỉnh sẽ đưa công trình sử dụng vào năm 2023.

Thủ tướng cho biết việc khảo sát thực tiễn nhằm nắm bắt khó khăn, tháo gỡ để thúc đẩy dự án sớm hoàn thành và rút kinh nghiệm cho các dự án khác trên cả nước.

Thủ tướng yêu cầu địa phương chuẩn bị đầu tư tốt; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phải có tổng thầu xây lắp và lựa chọn nhà thầu đúng; triển khai đồng bộ cả thi công xây lắp, chuẩn bị thiết bị và nhân lực, cơ chế vận hành…

Từ đó, Thủ tướng đã gợi ý một số nội dung để sớm có trang thiết bị y tế cho dự án, như rà soát trang thiết bị từ các bệnh viện khác để bố trí sử dụng cho dự án này, cố gắng đưa bệnh viện vào sử dụng trong năm 2023, trên tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng nhân dân lên trên hết, trước hết và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đánh Giá Bài Viết

Tham gia thảo luận

Compare listings

So sánh