Hàng loạt vướng mắc về cơ chế, chính sách đang làm cho lĩnh vực bất động sản du lịch (BDSDL) biến tướng, chủ đầu tư khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, còn khách hàng bất an vì những quảng cáo mập mờ.
- Nhiều động lực tăng trưởng cho bất động sản phía Nam
- NovaWorld Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch hàng đầu 2023
- Khi nào thanh khoản bất động sản nhà ở quay trở lại?
Cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, bất động sản du lịch (BĐSDL) đang được đánh giá là phân khúc đầy triển vọng. Yêu cầu đặt ra hiện nay là cần nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý để BĐSDL phát triển đúng với tiềm năng, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Đây là phân tích của các chuyên gia tại Hội thảo “Bất động sản du lịch-Lý luận và thực tiễn”, do Viện nghiên cứu lập pháp, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 15/9.
Theo thông tin từ các đại biểu tham gia hội thảo, hàng loạt vướng mắc về cơ chế, chính sách đang làm cho lĩnh vực BĐSDL biến tướng, chủ đầu tư khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, còn khách hàng thì bất an vì những quảng cáo mập mờ của những đơn vị phát triển dự án.
Các chuyên gia cho rằng, việc đặt tên cho loại hình bất động sản này cần được “Việt hóa”. Không nên gọi “Condotel” như hiện nay. Nhiều người đang bị nhầm lẫn giữa “quyền sở hữu kỳ nghỉ” với “quyền sở hữu BĐSDL” thông qua giao kết “Hợp đồng dịch vụ trong lĩnh vực du lịch”, dẫn đến phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, BĐSDL nghỉ dưỡng đang phát triển rất nhanh cả về quy mô, sản phẩm, phạm vi, giá trị, đòi hỏi quy định của pháp luật phải liên tục cập nhật. Giải quyết vướng mắc về BĐSDL hiện nay cần rà soát để điều chỉnh về quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
“Vướng mắc quan trọng nhất đối với BĐSDL là vấn đề liên quan đến quản lý, bao gồm 4 nhóm là: Tên gọi, xác lập quyền sở hữu, một loạt quy trình, thủ tục quản lý liên quan đến xây dựng, mua bán, sử dụng và các tranh chấp khác”, TS. Nguyễn Minh Phong đề cập.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, phát triển BĐSDL sẽ có lợi cho nền kinh tế và thị trường bất động sản vì tiết kiệm đất đai, đồng thời tạo động lực cho sự tăng trưởng của nhóm ngành liên quan như xây dựng, dịch vụ và đặc biệt là du lịch – lĩnh vực đang được định hướng phát triển thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, nếu hàng loạt vướng mắc không được gỡ bỏ, BĐSDL sẽ phát triển tự phát, làm méo mó thị trường. Tình trạng hình thành các khu dân cư ở những vùng du lịch nổi tiếng là rất đáng lo ngại, bởi sẽ quá tải hạ tầng, việc khai thác tài nguyên của đất nước không đúng mục đích và khó tránh khỏi lợi ích nhóm.