Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng các vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết nhiều và khó khăn của thị trường bất động sản có thể kéo dài đến quý III năm sau.
- Muốn Vay Mua Nhà Nhưng Đắn Đo Lãi Suất
- Nhiều động lực tăng trưởng cho bất động sản phía Nam
- Loạt chiêu trò đầu tư BĐS “siêu lợi nhuận” từ Nhật Nam và các công ty “lùa gà” đa cấp
- Công ty chứng khoán dự đoán sốt đất có thể quay lại vào giai đoạn 2025-2026, hé lộ 4 cổ phiếu bất động sản nhà ở tiềm năng
Tại diễn đàn phát triển bền vững thị trường bất động sản ngày 22/9, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, dẫn khảo sát gần đây của Hội chỉ ra hơn 70% doanh nghiệp cho biết các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa phát huy được tác dụng.
Giai đoạn 2022-2023, lượng giao dịch bất động sản đã giảm đến 90%, cho thấy sức cầu của thị trường rất yếu kém. Sau gần 5 tháng ban hành, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn chưa có cơ hội để phát sinh dư nợ. Tình trạng nhiều dự án chưa được tháo vướng mắc một phần do một số địa phương còn thiếu cơ chế và quyết tâm gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản.
Chính phủ có nhiều hoạt động quyết liệt để gỡ khó cho lĩnh vực bất động sản. Nhưng qua làm việc với các địa phương và doanh nghiệp, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhìn nhận còn rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị gặp khó khăn, chậm hoặc dừng triển khai. Nguyên nhân là vướng mắc pháp lý về đất đai, nhất là quy định về phương pháp định giá đất; thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung; điều kiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch.
Ông bổ sung, nguồn cung và thanh khoản giảm mạnh càng làm thị trường bất động sản thời gian qua thêm khó khăn. Trong khi đó, giá nhà ở và đất nền vẫn liên tục tăng. Cuối năm ngoái, giá căn hộ đã tăng bình quân 5-7%, nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%. Còn đất nền tăng đến 30% so với cuối năm 2020. Điển hình là giá căn hộ từ bình dân đến cao cấp liên tục lập dấu mốc mới, vượt quá khả năng chi trả của nhóm người mua tương ứng.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhắc lại 70% các vướng mắc xuất phát từ vấn đề pháp lý. Vướng mắc hàng đầu chính là sự chồng chéo về luật pháp. Ông nói, riêng lĩnh vực bất động sản đã có 12 luật tác động trực tiếp, từ Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Các bộ ngành chịu trách nhiệm làm luật nhưng chưa có cơ chế thống nhất. Việc tiếp thu các ý kiến đóng góp trong quá trình sửa đổi luật cũng còn hạn chế.
“Doanh nghiệp của tôi có dự án chậm tiến độ 12 năm vẫn chưa xong vì vướng mắc giải phóng mặt bằng”, ông Hiệp kể.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nói thêm, cầu tiêu dùng nội địa vẫn yếu, phục hồi chậm cho thấy nền kinh tế đang hồi phục theo đáy ở hình chữ U thay vì chữ V. Toàn bộ nền kinh tế rơi vào trì trệ, thanh khoản gặp khó ở nhiều ngành. Chuyên gia dự báo thị trường bất động sản có thể khó khăn kéo dài đến quý III năm sau.
Theo các chuyên gia, tăng nguồn cung nhà giá rẻ sẽ giúp thị trường phục hồi và phát triển bền vững.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, cuộc khủng hoảng 10 năm trước là dư nguồn cung bất động sản, nhưng lần này lại là khủng hoảng thiếu cung, nhất là nhà ở giá rẻ khiến thị trường “đóng băng”. Ông nhìn nhận dù Chính phủ và Tổ công tác quyết liệt tháo gỡ khó khăn song kết quả chưa cao. Giải pháp phá băng cho thị trường là tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ bằng quy định khung giá cho loại hình này như ở Trung Quốc.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để chủ động phát triển dự án nhà giá rẻ, gỡ bỏ một số khống chế về lợi nhuận, đối tượng mua nhà, nguyên nhân làm các chủ đầu tư phân khúc này nản lòng.
PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nêu giải pháp cho giai đoạn tới cần tập trung cho việc khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, Nhà nước cần tung ra những hỗ trợ mạnh hơn để vực dậy thị trường bất động sản. Bộ Tài chính cũng cần có các biện pháp để bảo đảm an toàn và giảm nhẹ gánh nặng cho hệ thống ngân hàng.
Ông Hoang D.Quan, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần quản lý quỹ Amber (AFM), Chủ tịch Quỹ A+ cũng chia sẻ quyết tâm đầu tư cho phân khúc nhà ở xã hội. Theo ông, loại hình này đóng vai trò rất cần thiết, đặc biệt sau vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội mới đây. Quỹ của ông đang tìm kiếm các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội với số vốn khoảng 200 triệu USD, dự kiến xây dựng được 7.000 – 8.000 căn hộ, góp phần giải quyết nhu cầu cho người dân.